Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019


NATALIA

    Thịnh không tài nào tập trung được vào khối tượng bán thân đặt trước mặt, chốc chốc lại liếc dè chừng khuôn mặt nghiêng nghiêng trên ghế sofa, lòng bồn chồn. Vạt nắng yếu ớt đang xuyên qua tấm rèm ren mỏng manh vừa vặn đậu lên mái tóc đen mượt và dường như cháy đỏ lên làn da nhợt nhạt nọ những đốm hoa ngoằn ngoèo đến kiêu kì. Bên lẵng hoa khô tím trầm mặc, cô bé như một món đồ sứ trưng bày được tạc vào góc căn phòng bừa bộn giấy và bảng vẽ, trong suốt. Có cảm tưởng như trong đáy mắt Thịnh, đây rõ ràng là một khung ảnh đầy nghệ thuật. Đâu ai đặt ra quy định rằng tiên nữ (hay thôn nữ trong một bức tranh style-art) là phải mặc váy trắng, tóc buông yêu kiều? Cô ta chỉ cần mặc một chiếc sơ mi hơi rộng như thế này, tóc búi ao khoe chiếc cổ thanh mảnh, sống mũi thẳng và cao ngạo cùng đôi mắt... không biết đang nói lên điều gì như thế này, à và còn ở trong ở trong một xưởng vẽ mang tên " Cọ Gãy" nữa, vậy là đủ.
    Cọ Gãy thường xuyên có những vị khách, nhưng chưa lần nào lại được đón tiếp một vị khách kì lạ như thế: Không nói một câu gì kể từ khi bước vào. 
    Không khí yên ắng đượm mùi dầu pha sơn và mùi gỗ bảng vẽ hôm nay còn trầm mặc hơn mọi ngày, Thịnh cảm thấy vậy.
Thầy Hoàng khum tay ho húng hắng làm Thịnh giật mình. Thầy ngót tứ tuần, bụng to bệ vệ mà đi nhẹ như lướt.
-Cậu trẻ! Kẻ trộm vật chất thì là kẻ trộm, còn " chôm chỉa" khung hình nghệ thuật thì là nghệ sĩ". Nhưng chẳng phải người nghệ sĩ trước khi hành nghề nên là một tay lão luyện hay sao! Cảnh đẹp, người đẹp, đương nhiên vẫn cần được họa lại khi nghệ sĩ đã đủ khả năng chứ?
Mặt Thịnh hơi ửng đỏ, tay trái bắt đầu lúng túng với cây chì chỉ còn phân nửa. Anh biết thầy đang nói đến bài vẽ tượng bết rì của mình.
- Đẩy sâu một chút nữa cậu Thịnh ạ! Mấy thầy chấm bài thường sẽ đeo kính lão, hoặc giả vờ mắt kém đấy!
Thầy vui vẻ ngồi xuống ghế nhựa đối diện với vị khách nhỏ lạ kì, không quên ra hiệu cho Thịnh tập trung vào tờ roki lúc này đã được tẩy sạch sẽ những vết chì lỗi. Tuy Thịnh đều đặn đan nét, tai vẫn dỏng lên nghe những lời trao đổi của thầy và cô bé nọ. Tách cà phê nâu sậm được nhấc ra khỏi phin, thả vào giữa hương gỗ thông hăng hắc một mùi thơm ngọt lịm.
-Kỳ này. Thế là em quyết định thi nhỉ?- Thầy hỏi
Tiếng cô bé đáp : "Dạ" gần như chìm nghỉm vào tiếng chì miết trên giấy soàn soạt từ gần chục tờ roki quanh phòng. Thịnh hơi bực. Bọn này bình thường biếng nhác là như vậy, tự nhiên nay cuống lên thế làm gì? Ánh mắt Thịnh chợt chạm phải sợi màu trong veo từ đôi mắt kia, bàn tay đột nhiên chẳng hiểu sao lại vạch ra một đường xám xịt ngay mi tâm tượng. Thịnh bỗng nhiên muốn chửi bậy, vội buông chì, quày quả đi vào phía trong, lượn thẳng ra phía sau nhà thầy. Không gian sau vườn ngập nắng.

Thịnh gặp lại Kỳ trên con phố nhỏ cuối đông, đường nườm nượp những cái bóng xa lạ và tất tả. Hoa đào rực lên hai bên đường như những tòa tháp hồng, gió lạnh thốc tới từ khắp các hẻm quạnh quẽ, đối lập hẳn với cái nhộn nhịp ngoài đường. Kỳ không có vẻ là nhận ra Thịnh, đi lướt qua và dừng lại ở một chậu ly nho nhỏ hơi thiếu sức sống.
Giữa những ngón tay mảnh khảnh và xanh xao, mấy búp ly thiếu nước dường như nũng nịu. Màu vàng nhợt nhạt của ánh sáng cuối đông keo lại quanh cô bé và chậu ly khiến Thịnh lại liên tưởng đến một khung tranh rực rỡ lạ kì: luôn là như thế, sự xuất hiện của Kỳ luôn gợi cho người ta nghĩ đến cô tiểu thư cũ kĩ và hơi cao ngạo, cứng cỏi nhưng mỏng manh với nước xa trong veo.
-Hoa phận bạc và mỏng manh lắm, anh Thịnh ạ. Người ta cắt ngang thân rồi cắm tạm xuống đất, cây may mắn thì sinh rễ, cây kém hơn thì tàn lụi ngay khi thân còn vùi trong đất. Như thế thì dù có đẹp bao nhiêu cũng bằng không.
Thịnh ngây người.
Đôi mắt Kỳ như thấu suốt mọi thứ, kể cả Thịnh. Điều ấy làm Thịnh lúng túng. Kỳ vẫn rất mong manh, những sợi tóc sổ tung trong đợt gió lạnh căm căm như trôi lờ lững trên nền khăn len màu mận bao lấy khuôn mặt nhỏ. Tuy nhiên trong ánh mắt nhìn của Thịnh, Kỳ đã không có chút yếu ớt nào.
- Em định mua chậu cây này à?
Thịnh hỏi bừa và lảng tránh ánh mắt Kỳ. Kỳ không đáp, cũng không gật đầu, chỉ đơn giản với tay lấy một trong những cây xương rồng tròn trồng trong chiếc ly gốm đặt phía sau giá cây, đưa cho Thịnh.
-Có phải không mua thì hoa sẽ không héo?- Thịnh cười cười , đón lấy chiếc ly màu đất nung đỏ sậm. Ơ xương rồng cũng nở hoa vào mùa này?- Thịnh thích thú ngắm nghía cái nụ be bé trông ngồ ngộ ngự trên màu xanh ngọc gái góc, và Thịnh ngây người lần thứ hai. Một đóa xương rồng nữa cũng vừa nở, trong suốt như nắng chiều đông ngay trước mặt Thịnh. Trong khi gió lạnh ùa về giữa những chậu lan, chậu ly đủ màu, Thịnh được thấy bức họa của mình, bức họa trong giấc mơ mỗi cuối ngày nhạt nhẽo, nở một nụ cười ngọt lịm, lần đầu tiên trong đời.

Thịnh đạp chân chống, thả xe đánh rầm vào một góc sân gạch rợp bóng xoài, xe đổ, chẳng buồn dựng dậy. Bà nội Thịnh ngồi đan từng mũi len, chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy thằng cháu nội lao như bay qua cái hành lang dài và hẹp, hai bên treo kín những bức tranh đủ mọi đề tài.
- Cái thằng! Mày dọa chết bà mất thôi cháu!
Thịnh vẫn chạy, khuôn miệng bày ra một nụ cười mếu máo:
- Cháu chào bà nội! Cháu mới về!
Sau đó mất dạng. Bà Thịnh chỉ cười đáp lại cái hành lang vắng hoe. Hai chiếc giày thể thao còn chưa cả giũ đất, mỗi đường vân trên đế kẹp theo cơ man là đất công trình ở sát sườn Cọ gãy, vừa được tung ra đã rơi lả tả những mẩu đá dăm và bụi đỏ quạch. Chân Thịnh dẫm bịch bịch lên những bậc cầu thang lát gỗ, dường như chỉ dừng lại khi mũi chân vô tình va phải cái bậc cửa cao 3 phân. Cánh cửa phòng Thịnh cũng bằng gỗ thông, nước sơn mới không đủ át đi mùi gỗ hăng nồng. Thịnh vặn thử chốt cửa, không mở. Thịnh gõ lốc cốc, rồi đập cửa bình bình. Máu nóng rần rần ngang trước mặt anh.
-Hòa! mở cửa cho em!
Lại đập thêm mấy cái nữa, cật lực.
Cái đập cuối cùng, Thịnh phải nhanh lắm mới không đập thẳng ngay trán anh chàng vừa xuất hiện sau lớp gỗ dày.
"Kẻ đột nhập” cong đuôi mắt nhìn anh, khóe môi kéo xệch ra một đường cong hài hài.
- Họa sĩ, về rồi à?
Thịnh chẳng buồn đáp lại, đưa tay gạt anh chàng sang một bên, đảo mắt nhìn xung quanh phòng, cuối cùng điểm nhìn rơi vào hộp giấy sơn xanh đặt trên giường, vật dụng trong hộp bày la liệt trên tấm ga xám.
- Anh sang bao giờ?
Giọng Thịnh trầm thật trầm, không cố bày ra cảm xúc gì khác lạ, nhưng bàn tay nhặt những bức tranh đặt trở lại hộp giấy lại như run rẩy
- Anh vừa mới!- Hòa thản nhiên đáp
- Sao không báo trước?
- Điện thoại hết pin rồi. Anh nhắn tạm cho thầy rồi sang em. Sao? Không nhớ anh à cậu út?
Thịnh đậy nắp cái hộp, dứ dứ trước mặt Hòa, cái mũi hơi hếch lên như khiêu chiến.
- Lần sau anh đọc tên trên hộp nghe chưa! Cứ mở bừa như vậy, em mà đặt bom hẹn giờ là anh chết ngoẻo rồi!
Hòa phì cười.
- Tôi chẳng rỗi hơi đi lục lọi! Nhưng cái hộp là của tôi, cậu út ạ!
Thịnh hơi có vẻ tức giận. Nhưng Thịnh giận mình. Đã dặn bản thân mua một chiếc hộp giấy khác nhưng cứ quên bẵng đi. Nghe Hòa về tìm đồ, Thịnh mới bỏ học cuống cuồng chạy về, vẫn không kịp.
- Cô bé ấy có vẻ xinh Thịnh à! Nhưng tính hơi buồn cười, trầm và hơi kiêu nữa!
Thịnh dừng lại việc mân mê những cạnh hộp vuông vức, ngơ ngác nhìn Hòa. Nắng đổ bóng lên sống mũi cao của anh chàng, tô đậm thêm cái má lúm duyên chết người và hàng mi rậm. Căn phòng phút chốc trở nên yên ắng.
Thịnh bỗng nhớ lần thứ hai thấy cô bé ở xưởng "Cọ Gãy", không phải với tư cách một người khách bình thường, cũng không phải một học viên của lò luyện thi. Tay cô bé chỉ đơn giản là bàn tay cầm bút, và ngoại hình của cô bé cũng rặt một vẻ nghệ sĩ rất bụi!
Tóc búi cao, sơ mi trắng và quần jean hơi bạc màu, Kỳ trầm ngâm đứng trước giá vẽ đồ sộ, thân hình mảnh khảnh có vẻ như đang trông chờ cả một khối nghệ thuật.
Lưỡi dao bàng bạc miết nhẹ trên ngòi chì, thả xuống chân giá vẽ lả tả những vụn gỗ và bụi chì xám xám. Góc nghiêng tuyệt đẹp và cao ngạo.
Kỳ không dùng que đo như bọn Thịnh mà vẽ trực tiếp. Nét đi trên giấy chắc chắn và thong thả lạ. Lúc ấy Thịnh đã biết Kỳ không đơn giản chỉ là một người khách bình thường của thầy Hoàng. Nào ai được vào tới tận khu 2 của xưởng, mà được thầy khuyến khích: "vẽ đi"?
Nhưng dựng xong khung hình với thời gian kỷ lục: ba phút, cô bé lại ngán ngẩm lột miếng băng dán mép giấy ra khỏi bảng gỗ ép, vò bản vẽ và thả xuống đụn giấy con con của đám học viên bỏ lại sau những tiết học bên trong xưởng. Một bản sketch chắc nét nhưng sai hết tụ, không có chút kiến thức cơ bản nào về luật xa gần. Thịnh chỉ chẳng ngờ..
- Em thấy con bé hơi kiêu cũng là phải. Bố con bé là đồng học với thầy Hoàng, hồi ở đại học Mỹ Thuật thầy Hoàng thua xa thầy ấy, nên giờ xưởng thầy Hoàng đông học viên, thầy ấy cũng làm ăn lớn nên giàu sụ.
- Thế nên em mới thấy Kỳ là vị khách duy nhất tới xưởng mà không hề trầm trồ cách bài trí?
- Vì nhà con bé còn "đáng nói" hơn chứ sao!
Hòa nhún vai rồi thả mình xuống giường.
- Nói đúng ra thì là có năng khiếu. Nhưng có cũng không dùng đến làm gì.
Thịnh nhướng lên một chân mày thắc mắc. Hòa bèn tắc lưỡi nhỏ nhẹ:
- Có ước mơ, nhưng năm sau con bé bay rồi. Chẳng liên quan đến gì nghề của anh em mình.
Thịnh không phản ứng gì, mặc Hòa tiếp tục.
- Bố mẹ bắt thi kinh tế. Sau khi thầy ấy và cô ly dị, họ lại càng kiểm soát nó chặt. Thầy bảo nó đến nửa câu tiếng Anh cũng không biết nhưng lại bắt nó đi làm visa, năm sau xuất cảnh qua trời Tây học tiếp.
Nói chung là nhà giàu thì biết đâu mà lần!
Hòa tựa đầu vào tay Thịnh, 1 lúc thì ngủ mặc cho cậu em cùng với những suy nghĩ ngẩn ngơ.
Nắng vẫn tiếp tục cháy lên chân tường màu kem, mặc kệ đông có lạnh...
***
Mưa tạnh, mặt đường nước đọng thành từng vũng lớn, những hàng cây nối dài soi xuống cứ như cao vút lên vô tận. Lá sấu vàng vọt rụng đầy quanh những viên gạch lục giác đỏ kẻ xếp sít. Trời ướt sũng nước mặc cho một góc sân che bạt của Cọ Gãy ráo hoảnh. Kỳ lầm lũi bước trên hàng gạch, tiếng chuông nhỏ ở móc khóa chiếc túi chéo rung lên lanh canh. Chuông có vẻ bồn chồn. Giáp tết mà con đường này vẫn cô độc , đường chỉ trắng chạy mải miết chưa từng có dấu hiệu bị mờ, sau cơn mưa đông lại càng rõ rệt. Hòa nhận chở cô tới nhà thăm thầy lần cuối trước khi ra nước ngoài học tiếp, vậy mà lại thả cô xuống giữa đường để quay về một mình, bỏ Kỳ lại với câu nói lấp lửng kì quặc:
- Natalia rõ ràng mới là cuộc đời em!
Có nghĩ cũng hiểu không thông được! Tính Kỳ không hay suy nghĩ nhiều, để gió cuốn đi.
Thầy Hoàng gọi Kỳ vào phòng, dẫn Kỳ đi xem một lượt những bằng khen, những tác phẩm của học trò mình. Căn phòng này vốn chẳng phải phòng trưng bày, nhưng với gần trăm cái khung lớn nhỏ với đủ chất liệu, đủ màu sắc, nước sơn tường trắng ngà đã trở thành phông nền cho một cuộc triển lãm quy mô nhỏ.
- Bắc là học sinh của trường kiến trúc khóa 17. Năm nay là năm 3 rồi. Bức này thằng bé vẽ khi mới vào học tại xưởng.
Kỳ đưa mắt theo tay thầy chỉ, không nói gì. Cô bé chỉ muốn chào thầy một câu, cũng không muốn ở lại quá lâu trong không gian đặc sệt hương cà phê này.
Hoặc không muốn thấy những học viên đủ mọi lứa tuổi trong sáng bừng với vẻ say mê biểu hiện trên khuôn mặt lấm lem màu vẽ.
- Thưa thầy, em về.
Thầy Hoàng có vẻ hơi buồn, nhưng thầy cười:
- Em biết thầy luôn muốn được dạy em!
Kỳ không cười đáp lại, đưa tay nhận tập giấy vẽ , đoạn quay bước đi ra. Lối từ xưởng 2 về xưởng 1 chợt yên ắng một cách khó hiểu khi Kỳ xuất hiện.
- Thịnh, cậu đưa con bé về giúp thầy nhé! Đường hơi thưa.
Kỳ định từ chối, không hiểu sao lại gật đầu.
Bánh xe quay ro ro trên mặt đường nhám, thi thoảng trở qua những màn nước mỏng và để lại nơi màu xám tro nhàn nhạt của đường những vệt nước ngoằn ngoèo. Thịnh thong thả đạp, muốn nói gì đó nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào.
- Anh Thịnh thấy em có gì đặc biệt à?
Kỳ bấu tay vào tập giấy vẽ, môi hơi mím lại sau câu hỏi bất chợt.
- Sao lại hỏi vậy? Không hiểu sao Thịnh luôn lúng túng khi đối diện với những câu nói của Kỳ, phải chăng tại cô bé luôn bắt đầu với những câu nói vu vơ hết sức, hay đơn giản vì trước mặt Thịnh là Kỳ.
- Thầy Hoàng chỉ cho em xem bức vẽ của anh khi tham gia thi cấp quận 3 năm trước...
Có vẻ lấp lửng.
Thịnh không hiểu nghĩ gì, nhấn mạnh tay phanh, bánh xe lập tức khựng lại, Kỳ hơi chúi về phía trước, những lọn tóc mỏng buông thả phất phơ phủ lên eo Thịnh.
- Bức tranh ấy anh vẽ trước cả khi biết em, Kỳ à.
Thịnh cắn nhẹ môi. đôi lông mày nhíu chặt lại. Phía sau xe đưa lại một sự yên tĩnh lạnh lẽo. Chiếc xe đạp lại thong thả chạy đi, chỉ có hai người nặng nề khôn tả. Rất lâu, rất lâu sau đó, Thịnh mới yếu ớt cất lời:
- Anh đã vẽ rất nhiều, không riêng gì bức ấy. Vẽ em trên con đê nhỏ, vẽ em ngồi vắt vẻo trên tán táo um tùm, vẽ rất nhiều. Nhưng không cái nào hoàn thành cả. Anh không thể vẽ được đôi mắt của em. Không phải anh không nhớ, không đủ kỹ năng, mà đơn giản là anh không thể vẽ được.
Những ngón tay Kỳ nắm tập giấy thật chặt, khớp ngón tay trắng bệch cả.
-Lúc ấy, anh đã nói gì với em, hả bé Hòa?
Kỳ cứng đờ người. Có một cái tên đã rất lâu không được ai gọi lại, nay đột nhiên trở về, mộng không ra mộng, thực cũng chưa hẳn đã là thực.
Lòng Thịnh đột nhiên nhẹ nhõm lạ, chỉ có cảm giác lạnh lẽo vẫn chạy dọc hai cánh tay, phủ lên tấm lưng gầy.
-          Anh từng nghĩ nếu gặp lại sẽ vẽ được đôi mắt của em, chỉ không ngờ đôi mắt ấy giờ lại quá khác...

Xe dừng.
- Đến nhà em rồi, phải không Hòa?- Thịnh cười buồn buồn- Em đừng sửa, cứ để anh gọi như thế đi. Trước giờ anh chỉ quen với bé Hòa, còn cô tiểu thư Nhã Kỳ nhà thầy Đỗ Quyên hình như hơi xa lạ.
Kỳ ngước lên nhìn căn nhà trống trải giữa khu đất rộng, mắt mở to tròn, ráo hoảnh.
Anh đã đi qua nhà thầy nhiều lần.
Thịnh đang định nói gì đó, cuối cùng lại thôi. Kỳ nhìn lại, cậu lảng tránh.
- Em về đi.
Thịnh toan nhấn bàn đạp.
- Anh Thịnh!
Tiếng Kỳ đột ngột phá vỡ sự im lặng.
- Anh giận em?
Thịnh không nói gì, đạp xe vào trong nắng.
Đêm ấy gió lạnh về..
***
Bên bờ sông um tùm cỏ xước, giữa những dòng lục bình trôi mơ hồ. mây trên cao lờ lững nổi..
Anh Thịnh chưa về, lòng em nóng như có lửa. Chỉ hai mươi phút nữa tàu chạy rồi, vậy mà anh không về tiễn em, có phải anh Thịnh giận em không? Lời hứa của một đứa trẻ 6 tuổi anh đừng tin nhé, có lẽ cả đời này cũng không thể cùng anh trở thành họa sĩ được. Hãy để em đi với bố và mẹ.
Anh Thịnh dạy em vẽ chì, anh dặn em đã có năng khiếu thì phải cố gắng học vẽ, sau này thi cùng anh trường Mỹ Thuật, cùng anh đàn và hát những đoạn nhạc xưa cũ..
Nhưng em không làm được anh à. Bố về đón em, mẹ tìm em, bố mẹ muốn em trở thành người giàu, thật giàu để chẳng ai bắt nạt được. Chẳng ai muốn em, trừ anh, trở thành người nghệ sĩ.
Anh Thịnh biết em bỏ vẽ, anh buồn. Nhưng ở với bà và anh, chúng nó mắng em là con bé mồ côi, chúng nó đánh em khi anh không ở đó, và anh Thịnh lại càng buồn. Ở với bố mẹ, em được váy đẹp, được học đàn, bố mẹ gọi em là Nhã Kỳ, còn mọi người ở quê gọi em là Thị Hòa. chỉ trừ anh, anh gọi em là Bé Hòa. Anh nói em đẹp như Natalia, một cô họa sĩ người Ba Lan có đôi mắt nhưu chứa đựng cả dải ngân hà. Và anh vẽ, dù hết lần này đến lần khác đều không được, vẽ em mặc váy công chúa, tay ôm chậu xương rồng...
Đã đến giờ phải đi rồi anh Thịnh ơi. Tiếng còi tàu kéo inh ỏi từ xa lắm, giục em nhanh chân chạy theo bố mẹ. Bố sẽ bế em lên tàu, đặt em lên đùi và kể chuyện em nghe, bố sẽ mua kẹo bông cho em và tặng em những con gấu bông không phải làm từ lục bình,… làm tất cả, thay anh Thịnh.
Thịnh ơi! Anh ở lại, cố gắng trở thành họa sĩ nhé, Thịnh! Em sẽ về.
***
Giấc ngủ Thịnh chập chờn. Trong cơn mơ đôi lúc nở tung những bông lục bình tím biếc, những nụ lục bình trồi lên từ quả cầu xanh xanh đầy gai…
Thịnh bật dậy, đầu nặng như chì. Bức tranh đó vẫn đặt yên vị trên bờ tường, tróc sơn loang lổ.
Có một cô bé trong vạt váy tinh khôi, tóc buông như một tấm rèm mỏng, phủ lên bờ vai tròn trịa, hai tay nàng một chậu xương rồng căng mọng trổ ra vài nụ hoa biêng biếc.
Mẩu giấy đề tên: "Natalia bên xương rồng"
- Anh chưa từng giận em, Nhã Kỳ ạ.
Khóe môi Thịnh vẽ một nụ cười buồn.
Một cô bé đã nói với anh:" Nếu bắt em chịu cảnh mồ côi cùng anh, hay là để em trở về với bố mẹ. Anh quen rồi, nhưng em không chịu nổi". Và lúc ấy anh đã nổi giận. Nhưng cũng là lại giận mình. Natalia của anh, Bé Hòa của anh, anh không bảo vệ được. Một mùa hè năm cô bé 8 tuổi, Thị Hòa bị ném đá trúng màng tang, máu chảy ướt cả áo Thịnh. Thầy Đỗ Quyên biết chuyện đã không để con gái mình chịu thiệt.

Anh Hòa gọi điện thông báo giờ bay của Kỳ.
Thịnh ngồi thừ trên chiếc giường cũ ọp ẹp, chẳng biết đang nghĩ gì mà đôi mắt tối sẫm.
****
- Con vẫn đợi thằng bé à?- Bà nội Thịnh ái ngại đứng giữa sân, điện thoại hết chuyền tay này lại trao tay nọ, điều này Kỳ không tận mắt chứng kiến nhưng cũng hình dung ra được.
- Không bà ạ! Mẹ con vẫn đang làm thủ tục bay, chắc lâu nữa mới đi được...
Bà căn dặn mấy điều rồi lưu luyến tắt máy, trả Kỳ lại không gian ồn ào của phi trường.
- Thưa mẹ, con đi đằng này một lát.
Mẹ Kỳ gật đầu.
Phi trường lồng lộng gió, người đông nghìn nghịt. Gió xoa mắt Kỳ cay xè.
Có phải hay không Kỳ vẫn chờ anh trai năm xưa?
Không phải đâu bà nội ạ. Kỳ đã chờ năm ấy rất lâu, nhưng Thịnh chẳng về đúng lúc. Lần đi này chắc Kỳ cũng chẳng chờ được, Thị Hòa không chờ được. Trong đầu Kỳ chợt nhớ câu nói của anh Hòa.
"Natalia rõ ràng mới là cuộc đời em"
Cô bé thọc sâu tay vào túi chéo bên mình, sau đó rụt rè thu tay lại. Cây bút chì và quyển sổ vẽ vẫn nằm im đấy như lúc thầy Hoàng đặt nó vào, chỉ có điều xung quanh là rất nhiều bút bi, bút nhớ, sổ tay toán học và kim từ điển.
Sẽ không có cơ hội dùng...
- Kỳ, Nhã Kỳ!
Tiếng gọi như xuyên thủng sự ồn ào vốn có, kéo Kỳ quay ngược trở lại.
Thịnh cầm trên tay tập giấy canson. bên hông đeo một ống dài dài.. hình như Thịnh giật mình. Sao Kỳ lại khóc.
- Anh Thịnh!
Thịnh dừng lại, cách Kỳ 2 bước chân. thở hồng hộc.
- Cho bé nhé! Giấy Việt!
Anh nhoẻn cười hiền hiền.
- Còn cái này...
Kỳ ngỡ ngàng đưa tay nhận cái ống tranh, đột nhiên không kiểm soát được tay mình: nó run run như một con thú nhỏ trước nỗi sợ. còn Kỳ là đứng trước một nỗi xúc động mạnh.
Trong ống tranh là một bản vẽ trên tấm toan cuộn tròn.
Kỳ bật cười, nước mắt chảy tràn ra hai bên gò má nhợt nhạt.
- Em trông thế á? Anh Thịnh! Con bé này kiêu quá!
Thịnh cũng bật cười, tiếng cười như một tiếng thở dài.
- Anh lại không nghĩ là nó sẽ kịp!
- Hả
- À, chẳng có gì đâu!
Thịnh nheo nheo mắt, lơ đãng đưa tay lau đi những vệt nước lem nhem trên mặt Kỳ.
Cô bé, nếu em để ý kĩ sẽ thấy những vết nứt nhỏ trên lớp sơn khô. Vết nứt sẽ không xuất hiện nếu bức tranh được vẽ không quá hai năm đâu em!. Nhưng nước sơn còn mới. Tức là đột ngột phải chịu nhiệt, có thế thôi!
Trong tập giấy Thịnh đưa có lẫn rất nhiều tranh anh vẽ Kỳ. Cô bé ngắm nhìn và trầm trồ không ngớt. Trong thùy trán của Thịnh lại hình dung ra bức tranh treo trên tường phòng mình, bức tranh vẽ "Natalia" với đôi mắt bị băng kín,
Lại nghĩ đến bức vẽ trên tay cô thiếu nữ kia, sáu tiếng vừa vẽ vừa hong khô bằng nhiệt, đúng là kỉ lục. Môi Thịnh lại vẽ ra một nụ cười.
Đầu xuân phơi phới, gió miên man.
***

Hòa chở thầy Hoàng đến vừa kịp giờ. Cô học trò hụt bé nhỏ của thầy đang xếp hàng chờ xuất cảnh. Thầy Hoàng mừng quýnh, chạy đến nỗi cái bụng bia rung lắc dữ dội theo nhịp.
Hòa không quen cô bé này lắm, nhưng gần đây có một số chuyện khá buồn cười làm người không liên quan như anh cũng phải "xem" tận mắt Nhã Kỳ mới ổn thỏa được.
Nói nào ngay, anh sợ thằng em kết nghĩa của mình… thích mình.
Hòa quen Thịnh ở lớp vẽ thầy Hoàng. Thịnh chăm chỉ và có tư chất thực sự, luôn khiến thấy lấy Thịnh làm gương cho những học viên còn lại noi theo. Và rồi sẵn kẻ đồng hương, dù chẳng gặp từ trước, hai đứa thuê trọ chung, ở với bà nội Thịnh tới khi Hòa chuyển vào kí túc xá ở.
Cho đến cái ngày định mệnh, Hòa vô tình làm vỡ một chậu xương rồng con con, bèn cuống cuồng đổi sang một chậu khác để trồng, sau đó đột ngột phát hiện Thịnh.. say mê chăm sóc chậu cây đó, nâng niu bằng một ánh mắt vô cùng kì lạ(??) Chỉ là thấy hơi buồn cười, cũng chẳng có gì nếu trong cơn mơ chập chờn mà cậu út cứ lẩm bẩm " Hòa…Hòa..." rồi quyển sketch quy hoạch cũng kín những chữ... Thị Hòa viết bằng đủ thể loại mực, xem kẽ những nét phác thảo cơ sở hạ tầng. Anh hốt hoảng trở về kí túc, không dám ở lại thêm lấy một ngày.
Nhưng lấn cấn quá, Hòa lại phải tìm hiểu cho rõ hư thực.
Anh bí mật đột nhập vào căn phòng cũ, và bất ngờ soi được một chiếc hộp dán mẩu giấy nhỏ: " Natalia bên xương rồng- Thị Hòa". Hòa rùng mình. Góc hộp còn dòng chữ viết hoa mĩ bằng marker xám: " Chờ ngày anh gặp lại em".
Có lẽ anh sẽ bỏ chạy nếu như chẳng có sự tò mò lấn át nỗi kinh hoàng đang chạy như một đàn chuột nhộn nhạo trong dạ.
Nhưng Hòa nhầm.
Trong hộp đựng rất nhiều tranh chì, đều vẽ một cô bé rất xinh với mái tóc dài. Nhưng đôi mắt nào cũng nhắm nghiền. Mấy tấm phía dưới có lẽ là lúc nhỏ, càng về sau cô bé càng "lớn" dần lên. Còn tấm trên cùng...
Đó là bức vẽ màu duy nhất. Một vẻ cao ngạo và thanh thoát phủ tràn trề bờ vai tròn trịa và... chậu xương rồng trông rất thật. Bên dưới đề: " Natalia và chậu xương rồng - Nguyễn Thị Hòa".
Anh bật cười. Tên anh là Trần Hòa, còn cậu út: Trần Thế Thịnh! Chẳng ai mang họ Nguyễn cả!
Mặc kệ tại sao chẳng bức tranh nào có lấy một đôi mắt, anh không quan tâm! Dù sao chẳng cần đầy đủ ngũ quan, anh nhìn qua cũng thấy rất quen thuộc. Thầy Đỗ Quyên vậy mà lại có người rể sớm! Hòa cười hềnh hệch, tự nhủ phải nhắc nhở cậu út mua lấy cái khung tranh mới được! Mà hình như cô bé này cũng là " đối tượng" trong tranh Thịnh đi thi cấp quận ba năm về trước?...
Khung tranh thì gỗ gì cho đẹp nhỉ? Giá mà xương rồng có gỗ thì tốt thật...
Đúng lúc ấy, ngoài cửa dội đến những tiếng đập cửa rầm rầm, cho thấy sự tức tối và bồn chồn khôn tả của chủ căn phòng...